Bài 40: Tử Đạo Hay Làm Chứng | Dưới ánh sáng Lời Chúa
Bài 40 :
TỬ ĐẠO HAY LÀM CHỨNG
Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn và NPD. Các giờ kinh Phụng vụ
Chúa nhật tới đây, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sẽ mừng kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Trong tâm tình tri ân và tự hào là con cháu của các vị, đồng thời noi gương các vị, sống chứng nhân của Đức Giê-su Ki-tô giữa cuộc đời, chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của danh xưng Tử Đạo theo cách diễn tả của Kinh Thánh.
1. Trong Cựu Ước
Danh xưng “tử đạo” là kết quả của một quá trình chuyển đổi ngữ nghĩa của từ “nhân chứng”. Từ “nhân chứng” mang nghĩa tích cực hơn là từ “tử đạo” mang nghĩa thụ động. Phân biệt như thế không giảm nhẹ giá trị “làm chứng” của các vị trong hoàn cảnh bị bách hại cũng như thái độ đón nhận của các ngài. Chúng ta có thể lấy trường hợp của ngôn sứ Ê-li-a làm ví dụ, ông không chết một cái chết “tử đạo” nhưng ông bị bách hại vì “lòng nhiệt thành đối với ĐỨC CHÚA” và ông phải trốn tránh khỏi sự “lùng bắt của kẻ muốn lấy mạng sống ông” (x. 1 V 14,19), và sau đó ông đã được Chúa đưa lên trời trong cơn gió lốc trên chiếc xe rực lửa (x. 2 V 2,11). Hoặc ông U-ri-gia-hu đã bị giết vì dám tuyên sấm nhân danh ĐỨC CHÚA (x. Gr 26,20-24).
Trong tiếng Hip-ri, từ éđ - ʿēḏ (עֵד) có nghĩa là “nhân chứng” hay “bằng chứng”, nó có thể là một vật cụ thể được đưa ra để thiết lập một giao ước giữa hai bên, như giao ước giữa ông Gia-cóp và ông La-ban khi lấy đống đá làm biểu tượng cho nhân chứng (x. St 31,44-48) ; cũng vậy, ông Giô-suê đã dựng “tảng đá lớn” để làm chứng về giao ước ông đã thay mặt dân kết ước với ĐỨC CHÚA (x. Gs 24,27) ; hoặc con cái Rưu-vên và con cái Gát lấy “bàn thờ làm bằng chứng” (x. Gs 22,34). Trong cơn quẫn bách, ông Gióp vẫn tin rằng ông có một “chứng nhân trên trời” là Thiên Chúa, Đấng sẽ bảo lãnh cho ông (G 16,19).
Cũng nên nói đến luật của người Ít-ra-en đòi hỏi phải có nhân chứng khi kết tội một người, nhưng một nhân chứng thì không đủ mà phải là hai hay ba nhân chứng (x. Ds 35,30 ; Đnl 19,15). Nhân chứng không chỉ cho lời khai mà còn là người đầu tiên phải ném đá tội nhân (x. Đnl 17,6-7). Ngoài ra, Lề Luật cũng cấm làm chứng gian và coi đó là tiếp tay với kẻ xấu (x. Xh 23,1). Vì thế phải cẩn thận xét xem những lời chứng có xác thực không, việc này đòi hỏi sự khôn ngoan của các thẩm phán ; câu chuyện bà Su-san-na được cứu nhờ sự khôn ngoan của cậu bé Đa-ni-en minh hoạ cho điều đó (x. Đn 13).
Cho đến thời Do-thái bị người Hy-lạp cai trị, cái chết của bảy anh em được thuật lại trong 2 Mcb 7,1-41 như là hình bóng của các vị tử đạo trong Ki-tô giáo sau này. Thật vậy, tác giả đã trình bày rõ ràng, cho thấy các vị này đã tự nguyện chấp nhận khổ đau và cái chết để trung tín với Lề Luật và tôn giáo của mình. Trước đó tác giả còn cho độc giả biết một kinh sư Do-thái là ông E-la-da đã can đảm đón nhận cái chết hầu để lại cho những người trẻ một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện và cao quý, vì đã trung thành với Lề Luật (x. 2 Mcb 6,18-31).
Như vậy, ta thấy từ éđ (עֵד) đã có bước tiến triển từ ý nghĩa của việc “làm chứng”, “chứng từ” hay “nhân chứng”, đến việc chấp nhận những khổ đau, hoặc phải hy sinh “mạng sống” của mình, để chứng tỏ lòng trung thành với niềm tin của mình, và đó là ý nghĩa của từ “tử đạo” sau này.
2. Trong Tân Ước
Danh từ Hy-lạp mác-túys - martys (μαρτυς) tương đương với từ Híp-ri éđ - ʿēḏ (עֵד) trong Cựu Ước. Nghĩa thông thường của từ này chỉ bất kỳ người nào đưa ra một lời chứng về những gì người đó thấy tận mắt hoặc nghe tận tai. Lời chứng của họ rất cần để công việc được giải quyết (x. Mt 18,16). Người mang lời chứng được gọi là chứng nhân. Ngoài phạm vi pháp lý, từ này còn được dùng cả trong lãnh vực lịch sử và tôn giáo.
Các Tông Đồ là những chứng nhân đặc biệt, được Thiên Chúa chọn để uỷ thác việc làm chứng về Chúa Giê-su chết và sống lại (x. Cv 10,39-41). Sau khi sống lại, chính Chúa Giê-su đã nhiều lần hiện ra với các Tông Đồ, để mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và không ngừng nhắc nhở họ làm chứng nhân về những gì mắt thấy tai nghe để rao giảng cho muôn dân (x. Lc 24,45-48 ; Cv 1,8). Nhưng ở đây, đối tượng cũng như nội dung của lời chứng rất đặc biệt, đó chính là sự phục sinh của Đức Ki-tô. Thật vậy, nếu Đức Ki-tô không sống lại thì lời rao giảng của các Tông Đồ về Người sẽ là vô ích (x. 1 Cr 15,14).
Danh từ mác-túys - martys (μαρτυς) được sử dụng nhiều nhất trong sách Công vụ Tông Đồ (13 lần), và chỉ mang một ý nghĩa duy nhất, đó là các Tông Đồ là chứng nhân của Đức Giê-su Ki-tô (x. Cv 1,8.22 ; 2,32 ; 3,15 ; 5,32 ; 13,31 …). Để lời chứng của các Tông Đồ sinh hiệu quả, Chúa Giê-su hứa ban cho các ông sức mạnh của Thánh Thần (x. Cv 1,8a), làm cho các ông mạnh mẽ, can đảm và khôn ngoan khi bị điệu đến trước vua chúa quan quyền (x. Lc 12,11-12 ; Mt 10,17-20 ; Cv 4,13. 33 ; 6,10). Như vậy, các Tông Đồ cũng như các vị tử đạo sau này, không đơn độc khi phải làm chứng, nhưng có Chúa Thánh Thần cùng làm chứng với họ (x. Cv 5,32).
Đặc biệt, Tin Mừng theo thánh Gio-an sử dụng động từ mác-tuy-rê-ô - martyreō (μαρτυρέω : 33 lần) có nghĩa là làm chứng và danh từ mác-tuy-ri-a - martyria (μαρτυρία : 14 lần) có nghĩa là lời chứng. Sự phân biệt này thấy rõ trong câu nói của Chúa Giê-su : “Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người” (Ga 3,32). Một điều cần ghi nhận là trong Tin Mừng Gio-an, việc làm chứng và lời chứng không nhằm vào một sự kiện lịch sử của Chúa Giê-su, nhưng nhằm vào chính con người Đức Giê-su là Con Thiên Chúa hằng sống (x. Ga 1,15.34).
Tân Ước còn sử dụng danh từ mác-tuy-ri-on – martyrion (μαρτύριον) để chỉ sự làm chứng, bằng chứng, chứng từ về đức tin, về Tin Mừng và về Chúa Giê-su :
“Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để nên bằng chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10,18).
“Các Tông Đồ đưa ra lời chứng về sự sống lại của Chúa Giê-su” (Cv 4,33).
Lời chứng còn là sự tuyên xưng, do đó ngay cả với những người không được chứng kiến Đức Giê-su tận mắt, nhưng tuyên xưng Người là Chúa thì cũng kể là một lời chứng. Lời tuyên xưng là điều cần thiết của ơn cứu độ (x. Rm 10,9-10). Dĩ nhiên, việc tuyên xưng không tránh khỏi những khó khăn như bị đe doạ, bắt bớ, cầm tù (x. Cv 4,18-21), cả việc bị đánh đòn (x. Cv 5,40), thậm chí bị giết hại (x. Cv 7,59-60).
Cuộc bách hại vào đầu kỷ nguyên Ki-tô giáo đã khiến cho khái niệm “chứng nhân” mang một chiều kích sâu xa hơn, những chứng nhân có thể phải giáp mặt với cái chết. Cái chết của ông Tê-pha-nô là cái chết của một chứng nhân mà thánh Phao-lô nói với Chúa trong một cuộc xuất thần : “Khi người ta đổ máu ông Tê-pha-nô, chứng nhân của Chúa, thì chính con cũng có mặt, con tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy “ (Cv 22,20). Cái chết của ông Tê-pha-nô có đổ máu, và theo truyền thống Ki-tô giáo, cái chết này được gọi là tử đạo, nghĩa là lấy máu mình hay nói cách khác, hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho Đức Ki-tô (x. Cv 7,55-60). Trong Hội Thánh của Đức Ki-tô, việc tử đạo mang lấy một ý nghĩa mới mẻ : đó là bắt chước Đức Ki-tô và hiệp thông trọn vẹn vào việc làm chứng và vào công trình cứu độ của Người. Thật vậy, Đức Ki-tô chính là vị tử đạo hoàn hảo và trọn vẹn nhất, Người mang tất cả những yếu tố của một vị tử đạo : sự sợ hãi tột cùng của một con người trước cuộc Thương Khó, nhưng Thiên Chúa đã sai thiên sứ đến tăng sức cho Người (x. Mt 26,37-38 ; Lc 22,44) ; phải chịu những lời tố cáo, lăng mạ, xúc phạm khi bị xét xử (x. Lc 23,9-11) ; sau cùng bị kết án cách bất công dù người ta chẳng tìm ra tội chứng của Người, ngay cả giới quan quyền cũng phải nhận là Người vô tội (x. Lc 23,14-15) ; khi bị hành hình, Chúa Giê-su cũng không hề oán than mà còn tha thứ cho những kẻ xử tử mình (x. Lc 23,34).
Cầu nguyện
Biết lấy chi đền đáp CHÚA bây giờ
vì mọi ơn lành Người đã ban cho ?
Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh ĐỨC CHÚA.
Lời khấn nguyền với CHÚA, tôi xin giữ trọn,
trước toàn thể dân Người.
Đối với CHÚA thật là đắt giá
cái chết của những ai trung hiếu với Người.
Vâng lạy CHÚA, thân này là tôi tớ,
tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài,
xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.
Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và kêu cầu thánh danh ĐỨC CHÚA.
Lời khấn nguyền với CHÚA, tôi xin giữ trọn,
trước toàn thể dân Người,
tại khuôn viên đền CHÚA, giữa lòng ngươi, hỡi Giê-ru-sa-lem ! (Tv 116,12-19)
bài liên quan mới nhất
- Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 92: Torah và Luật Lệ Do-Thái | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 91: Tại sao gọi Chúa Giê-su là "Con Vua Đa-vít"? | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 90: Nhóm Mười Hai -
Bài 89: Con Lạc đà chui qua Lỗ Kim | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 88: Nền tảng Kinh Thánh của lời kinh Mân Côi | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 86: Những lần tiên báo cuộc thương khó của Đức Giêsu | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 85: Thầy là Đấng Ki-tô | Dưới ánh sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa